Kiểm soát cảm xúc khi học cùng con

Chia sẻ của chị Lê Thu Huyền
Thanh Sơn - Phú Thọ

Học cùng con điều gì làm chúng ta nổi cáu? (Con không nghe lời, con không tập trung học, con học chống đối, vội vàng, con mải chơi…)
 
❤Mình cũng đã từng rất nóng tính, quát tháo con, sau những lần quát tháo là nước mắt của con, là không khí nặng nề của gia đình, là sự bực dọc của bản thân. Con vẫn làm theo yêu cầu của mình nhưng không vui vẻ và thân thiện. Sau những lần mắng con xong lại thấy thương con, lại tự hứa với mình cần thay đổi để giúp con tiến bộ.
 
☘Đầu tiên mình cần nhìn nhận đây là vấn đề của bố mẹ, của người lớn chứ không phải của con. Những đòi hỏi những mong muốn của người lớn làm áp lực cho con trẻ.
 
❤Nhà mình có 2 cậu con trai, mỗi bạn mỗi tính cách. Bạn anh hiền, có ý thức tự học tốt, bạn em nóng tính, học không tập trung, phải nhắc nhở thường xuyên. Mình cũng có giai đoạn nóng tính, căng thẳng lắm. Nhưng rồi mình hiểu rằng, con cái đều ảnh hưởng tính cách của cha, mẹ hay người thân trong gia đình. Con tiếp xúc nhiều là con ảnh hưởng thôi mà. Muốn con thay đổi trước hết mình cần thay đổi đã.
 
☘Khi suy nghĩ thay đổi kéo theo hành động thay đổi, thói quen và kết quả cũng thay đổi. Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận thì mình thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
 
❤Mình không đặt nặng thành tích hay điểm số ở trường để tránh tạo áp lực lên con. Không đòi hỏi con phải giỏi toàn diện các môn học (áp lực lắm vì ngày xưa mình cũng chẳng học giỏi toàn diện, sao nay lại đòi hỏi con như vậy. Không yêu cầu con phải ở top đầu của lớp, phải tham gia thi môn này môn kia đạt kết quả cao. Khi có cái nhìn nhẹ nhàng thì việc đồng hành cùng con cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều và các cảm xúc tiêu cực cũng được hạn chế.
 
☘Khuyến khích con đọc sách mỗi ngày vì đọc sách đem lại rất nhiều lợi ích. Đọc sách không chỉ giúp con cải thiện vốn từ, cải thiện được cách diễn đạt mà còn giúp con có cách ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh. Đọc sách nuôi dưỡng cho tâm hồn con mỗi ngày 1 thiện.
 
☘Không so sánh con mình với con người khác. Không cố gắng bảo vệ con khỏi sai lầm và thất bại vì đó chính là cơ hội học hỏi của con để con nhận biết được hậu quả và kinh nghiệm ứng phó.
 
☘Trước khi nói để con nghe lời mình cần làm bạn thật sự của con, đặt mình vào vị trí của con đã, làm gương cho con, thấu hiểu con. Đừng cố gắng sửa chữa gì cả khi chưa kết nối được với con. Hành vi sai trái của con (theo cách nghĩ của người lớn) là biểu hiện 1 nhu cầu nào đó của con.
 
☘Hãy tạo cho con niềm vui sự khích lệ, động viên, nhiều khi còn phải giả vờ "ngẫn ngờ” để chúng được giải thích chỉnh sửa mình ấy chứ. Ngày hôm nay, con tiến bộ hơn ngày hôm qua đã là thành công rồi, con cần được bố mẹ ghi nhận, cổ vũ cho sự thành công đó để tạo đà cho bước sau.
 
❤21/4/2019 - 21/6/2021. Đánh dấu tròn 2 năm 2 tháng mình học cùng con mỗi ngày theo kiểu dắt Ốc Sên đi dạo. Trước đây mình luôn nghĩ học tiếng Anh cần có năng khiếu hay 1 cái gì đó cao siêu. Nhưng từ khi đồng hành cùng con mình xóa bỏ hoàn toàn điều đã được cài đặt trước đó. Mình nhận ra rằng quá trình học tiếng Anh cũng như quá trình học tiếng Việt, con được tiếp xúc mỗi ngày thì con sẽ có khả năng nghe nói như ngôn ngữ nơi mình sinh ra. Tiếp xúc mỗi ngày thì con sẽ ngấm như kiểu sinh ra ở Việt thì nói được tiếng Việt, sinh ra ở Mỹ thì nói được tiếng Anh và mức độ như thế nào còn tùy thuộc vào độ chăm chỉ. Lượng nhiều sẽ tạo ra chất.
 
❤Khi muốn ta sẽ có cách, khi không muốn sẽ có nhiều lí do. Vừa làm bạn, vừa gương mẫu, vừa tạo được cái “Uy” của bố mẹ, dần dần thiết quân luật con vào kế hoạch, chứ đừng vội vàng siết chặt, đặt nhiều mục tiêu thì sẽ khó thành việc lớn.

- Lê Thu Huyền -